Việc lập di chúc để lại đất cho con cái được pháp luật quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015. Việc nắm được những quy định này sẽ giúp bạn tránh được những tranh chấp về phân chia tài sản của người thừa kế. Vậy di chúc là gì? Cách lập di chúc và những lưu ý khi muốn lập di chúc để lại đất cho con cái? Hãy cùng Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ tìm hiểu ngay về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé! 1. Di chúc là gì? Điều 624 của Bộ Luật dân sự 2015 quy định về khái niệm di chúc:“Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Di chúc bao gồm 2 loại chính: + Di chúc bằng văn bản: Di chúc có thể được đánh máy hoặc viết tay, cần được xác nhận bằng chữ ký và điểm chỉ, có thể có hoặc không có người làm chứng/công chứng + Di chúc bằng miệng: Di chúc chỉ được lập khi không thể lập bằng văn bản. Sau 3 tháng, di chúc sẽ bị hủy bỏ nếu người lập vẫn còn minh mẫn và sáng suốt. 2. Cách lập di chúc để lại đất cho con cái Khi lập di chúc để lại đất cho con, người lập di chúc cần lưu ý một số nội dung trong di chúc như sau: - Thông tin của người để lại di chúc: Ghi rõ thông tin ngày, tháng, năm sinh cùng thông tin số Chứng minh nhân dân hoặc số Căn cước công dân hoặc số hộ chiếu còn hạn nếu không có Chứng minh hoặc Căn cước cùng thông tin về hộ khẩu thường trú hoặc chỗ ở hiện tại nếu không có nơi thường trú, tạm trú. - Khẳng định trạng thái tinh thần của bản thân người lập di chúc: Minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối hay đe doạ hay cưỡng ép từ những người khác. - Thông tin về tài sản: Vì đây là di chúc để lại đất cho con nên tài sản trong di chúc bắt buộc phải có thông tin về quyền sử dụng đất. Đây phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại di chúc. Thông tin về tài sản phải gồm: Thông tin về Sổ đỏ, diện tích, địa chỉ, thửa đất, tờ bản đồ… và tài sản gắn liền với đất (nếu có). - Thông tin về người được nhận di sản thừa kế: Tương tự như người để lại di chúc, thông tin về người nhận di sản theo di chúc cũng phải gồm họ tên; ngày, tháng, năm sinh; thông tin về giấy tờ tuỳ thân, nơi cư trú. - Ngoài việc để lại di sản là quyền sử dụng đất cho các con, người lập di chúc có thể nêu ý nguyện của mình trong bản di chúc này. - Nếu di chúc được lập có nhiều trang, tờ thì người lập di chúc phải ghi rõ di chúc có bao nhiêu trang, tờ và đánh số thứ tự đầy đủ… 3. Cần lưu ý gì khi lập di chúc để lại đất cho con? 3.1 Lập di chúc để lại đất cho con có cần tất cả người con đồng ý? Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, di chúc là ý chí của người lập di chúc khi muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi người lập di chúc chết. Do đó, có thể thấy, lập di chúc là ý nguyện của người lập di chúc. Đồng nghĩa, việc để di chúc cho ai là quyền của người để lại di chúc. Không chỉ vậy, khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự khẳng định: "Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình." Có thể thấy, khi lập di chúc, người để lại tài sản cho người khác sau khi chết có toàn quyền trong việc quyết định để lại di sản cho ai hay thậm chí là truất quyền hưởng thừa kế của người thừa kế hợp pháp của mình. Như vậy, khi lập di chúc để lại đất cho con, cha mẹ có quyền quyết định để lại cho bất kỳ người con nào mà không cần sự đồng ý của những người con còn lại hay thậm chí cũng không cần sự đồng ý của cả người con được hưởng thừa kế. Nếu sau khi di chúc có hiệu lực, người này không muốn nhận di sản thì có thể từ chối nhận di sản thừa kế. 3.2 Có được để lại toàn bộ đất cho con trai mà không cho con gái không? Như phân tích ở trên, việc quyết định cho ai đất, truất quyền hưởng di sản của ai… phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của cha mẹ. Bởi vậy, nếu cha mẹ khi lập di chúc và muốn để lại toàn bộ tài sản là nhà, đất cho con trai và không dành phần tài sản nào cho con gái thì cũng hoàn toàn hợp pháp. Trong nội dung di chúc, cha mẹ chỉ định cụ thể người được hưởng di sản thừa kế và nêu rõ việc cho con trai toàn bộ hoặc một phần di sản là quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình. 3.3 Có được đổi ý sau khi đã lập di chúc cho con đất? Khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự khẳng định: " Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực." Theo quy định này, một người có thể để lại nhiều bản di chúc cho người thừa kế và chỉ bản di chúc cuối cùng về cùng một tài sản mới có hiệu lực. Do đó, nếu cùng một thửa đất, khi đã để di chúc cho con nhưng sau đó đổi lý không cho con đất hoặc chỉ cho một phần hoặc truất quyền hưởng di sản thừa kế của người con này cũng hoàn toàn hợp pháp. Và bản di chúc được lập sau cùng sẽ là bản di chúc có hiệu lực pháp luật. Như vậy, trên đây là giải đáp về việc lập di chúc để lại đất cho con. Ngoài ra, nếu như bạn có thắc mắc gì liên quan đến nội dung trên hoặc cần tư vấn các vấn đề pháp lý khác về công chứng và Sổ đỏ, xin vui lòng liên hệ tới Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ theo thông tin: MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CÔNG CHỨNG TẠI NHÀ Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội Hotline : 0966.22.7979 – 0935.669.669 Email: [email protected]